MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÁO DỤC TRẺ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÁO DỤC TRẺ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
1. Tuyên truyền, phối hợp
Để đạt được những nội dung, nhiệm vụ trên ngay từ đầu năm học nhà trường đã tiến hành họp phụ huynh, thông qua buổi họp phụ huynh tôi xin ý kiến Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện để tôi được trao đổi về vấn đề giáo dục bảo vệ môi trường trong cộng đồng và giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ tại gia đình, hướng dẫn phụ huynh xây dựng môi trường xanh- sạch - đẹp và an toàn ở nhà;
Không chỉ dừng lại ở các buổi họp phụ huynh, tôi còn tham gia trực tiếp vào đội tuyên truyền ở thôn, cùng đi tham gia vào các buổi tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng giáo dục bảo vệ môi trường tại cộng đồng. Bản thân tôi đã phối hợp với ban chỉ đạo môi trường tuyên truyền về giáo dục bảo vệ môi trường tới phụ huynh và học sinh. Đồng thời thiết kế những hoạt động có lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ, để giáo dục trẻ biết bảo vệ môi trường trong lớp, ngoài lớp sạch sẽ. Tổ chức các buổi lao động dọn dẹp có sự giúp đỡ của phụ huynh học sinh: như phát quang bụi rậm xung quanh trường, lao động dọn nhà bếp.
2. Tổ chức các trò chơi
Trò chơi được sử dụng như phương pháp đặc trưng đối với trẻ 5-6 tuổi. Mục đích phương pháp trò chơi là giáo dục trẻ tinh thần hợp tác, khả năng giải quyết vấn đề, đồng thời củng cố và cung cấp kiến thức cho trẻ.
VD: Trò chơi vận động trời nắng, trời mưa, trò chơi bán hàng các sản phẩm che nắng che mưa.
Trò chơi đóng vai "Những người làm công tác bảo vệ môi trường"
3. Xây dựng kế hoạch
Bản thân tôi xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giáo dục bảo vệ môi trường trong trường mầm non như vệ sinh trường lớp sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng, xây dựng nếp sống lành mạnh, văn minh cho trẻ, thực hiện nội dung giáo dục bảo vệ môi trường trong các hoạt động khám phá, lao động, vệ sinh đầy đủ và nghiêm túc. Có sự phối hợp với gia đình và cộng đồng trong việc giáo dục và bảo vệ môi trường.
4. Tiến hành thực hiện các hoạt động giáo dục
Thông qua tất cả các hoạt động của trẻ
- Qua giờ học
- Qua hoạt động vui chơi
- Đưa đón trẻ
- Vận dụng các tình huống có vấn đề về môi trường
- Qua hoạt động lao động, hoaatj động vệ sinh
- Tích hợp trong các chủ đề
Tôi cần nắm rõ nguyên tắc giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ, nội dung giáo dục bảo vệ môi trường phải phù hợp với trẻ, hình ảnh về môi trường cô đưa ra phải gần gũi, không xa lạ với trẻ như: bé đang chăm sóc cây, bé đang thu gom rác.
Tổ chức các hoạt động giúp trẻ có hành vi thái độ thân thiện với môi trường, thì tôi vận dụng tình huống có vấn đề về môi trường để cho trẻ giải quyết
Ví dụ: Tổ chức cho trẻ làm đồ dùng đồ chơi từ nguyên vật liệu phế thải do trẻ mang đến như: vỏ hộp sữa chua, bao diêm, hộp đựng thuốc đánh răng... tất cả đều phải đảm bảo sạch sẽ và khô; cô hướng dẫn trẻ làm ô tô từ vỏ hộp sữa, làm đoàn tàu từ vỏ hộp thuốc đánh răng, làm quạt điện từ vỏ chai nhựa.
Trẻ mầm non rất hứng thú khi được khám phá với môi trường xung quanh do đó Nhà trường đã chỉ đạo cán bộ giáo viên lồng ghép tích hợp nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào các chủ đề. Tôi giúp trẻ hiểu môi trường xung quanh là lớp học, là trường, là gia đình, làng xóm giúp trẻ phân biệt được môi trường sạch và môi trường bẩn, từ đó trẻ có ý thức giữ gìn môi trường sạch sẽ như không vứt rác, vứt đồ chơi bừa bãi. Tham gia vệ sinh lau chùi sắp xếp đồ dùng, đồ chơi ngăn nắp cùng cô. Biết bỏ rác vào đúng nơi qui định.
Giáo dục bảo vệ môi trường được lồng ghép, tích hợp vào các hoạt động trong ngày nhằm hình thành ý thức và thói quen cho trẻ trong việc giáo dục bảo vệ môi trường. Trong tất cả các hoạt động nhất là hoạt động khám phá khoa học ngoài việc dạy trẻ khám phá tìm hiểu môi trường xung quanh giáo viên cần phải linh hoạt vận dụng lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường theo chủ đề để vừa đảm bảo nội dung giáo dục theo chủ đề vừa tuyên truyền cho việc bảo vệ môi trường một cách phù hợp.
Ví dụ: Trong hoạt động khám phá về cây xanh và môi trường sống, thì tôi cung cấp cho trẻ về ích lợi cây xanh và lồng ghép bài thơ đồng dao cho trẻ biết bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Hoặc trong hoạt động ngoài trời, giáo viên hướng dẫn trẻ tìm hiểu về nguồn nước, về công trình vệ sinh, về một số việc đơn giản của trẻ để giữ gìn vệ sinh chung… có thể lồng ghép một số bài ca dao, hò vè để giúp trẻ dễ tiếp thu, dễ nhớ.
Qua đó nhằm tạo cảm hứng say mê cho trẻ trong các hoạt động giáo dục về môi trường, tôi đã sưu tầm vật liệu làm đồ dùng, đồ chơi sáng tạo như cây xanh, cây hoa để làm sinh động về mặt trực quan đối với trẻ, các nguyên vật liệu phế thải như: vỏ hộp sữa, chai nước rửa bát, chai nước uống.
Về công trình vệ sinh và nguồn nước: Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng mang tính cần thiết trong việc xây dựng và bảo vệ môi trường, nếu bảo quản và sử dụng không tốt sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của trẻ, môi trường ô nhiễm từ nguồn nước hoặc nơi vệ sinh sẽ phát ra những mầm bệnh nguy hiểm. Chính vì vậy việc quản lý và giáo dục trẻ bảo vệ các công trình vệ sinh và hệ thống nước sinh hoạt cần phải được chú trọng và quan tâm thường xuyên. Tại lớp tôi thường xuyên vệ sinh sạch sẽ 3 lần/ngày. Hàng ngày ngoài các giờ hoạt động học có chủ đích trên lớp thì tôi đã thường xuyên nhắc nhở trẻ, ngay từ khi trẻ mới đến lớp học, trẻ chưa có nề nếp ý thức sử dụng và bảo vệ môi trường, tôi đã hướng dẫn cho trẻ cách sử dụng và bảo quản, vệ sinh sau khi sử dụng, cách dùng nước tiết kiệm tránh lãng phí.
Ví dụ: Trong giờ khám phá khoa học bé yêu nguồn nước
Tôi cung cấp các kiến thức cơ bản về tính chất (không màu, không mùi, không vị), ích lợi của nước, có thể hoà tan một số chất như: Đường, muối, milô, trà tranh, bột cam, kỹ năng pha nước muối, đường và các hợp chất (milô, bột cam..)
Bên cạnh những việc làm nhằm giáo dục trẻ giữ gìn và bảo vệ môi trường được lồng ghép tích hợp vào các hoạt động trong ngày tôi đã sưu tầm tranh ảnh thể hiện những hành động, việc làm tốt có ý thức bảo vệ môi trường để trang trí ở các góc, những nơi dễ quan sát để trẻ được xem và học hỏi, trẻ được cùng cô đàm thoại về những hoạt động, hành vi trong tranh: bạn đang làm gì? (bạn đang chăm sóc cây, bạn đang rửa tay), khi rửa tay cần xả nước như thế nào để tiết kiệm nước? bạn ăn chuối, uống sữa xong để vỏ ở đâu?
Đối với trẻ nhỏ việc động viên khen ngợi rất quan trọng. Khi có trẻ ngoan biết nhặt giấy, rác bỏ vào thùng rác thì tôi đã động viên ngay và tuyên dương ngay, để trẻ khác noi theo. Còn đối với trẻ chưa có ý thức bảo vệ môi trường thì cần nhẹ nhàng nhắc nhở, yêu cầu trẻ đó thực hiện lại hoặc cùng trẻ đó thực hiện lại cho đúng. Tôi đã chuẩn bị những bức tranh bảo vệ môi trường như bỏ rác vào thùng rác, lau đồ chơi và xếp sắp đồ chơi gọn gàng trên góc.
Nếu chỉ giáo dục trẻ trên lớp không thôi thì chưa đủ mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình và nhà trường để tạo nên sức mạnh tổng hợp tác động đến trẻ. Vì vậy trong những giờ đón, trả trẻ tôi gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh để cùng thống nhất quan điểm giáo dục trẻ ở trường cũng như ở nhà một cách đồng bộ và tốt nhất.
Cùng với việc chỉ đạo của nhà trường tôi giáo dục trẻ bảo vệ môi trường ở mọi lúc, mọi nơi, tôi đã tổ chức hoạt động lao động vào các buổi thứ năm hàng tuần. Qua những buổi lao động đó trẻ đã được cùng cô làm những việc vừa sức như lau chùi, sắp xếp lại đồ dùng, đồ chơi gọn gàng ngăn nắp, nhặt rác trên sân trường.
Làm đồ chơi trang trí lớp và sau mỗi khi làm xong cần thu dọn sạch sẽ giấy vụn để vào thùng rác. Hoặc khi cùng trẻ chăm sóc góc thiên nhiên, lau lá, tưới cây, nhổ cỏ qua đó giáo dục trẻ có ý thức bảo vệ môi trường, bồi dưỡng tình cảm yêu thiên nhiên, yêu môi trường và thái độ bảo vệ môi trường tốt hơn.
Với các hình thức và phương pháp giáo dục như vậy tôi thấy trẻ ở lớp tôi dần dần đã có ý thức trong việc bảo vệ môi trường và đã có kết quả. Môi trường trong ngoài lớp đều rất sạch sẽ và thoáng mát.
Tác giả bài viết
Cô giáo Phan Thị Thu